Chúng ta đều biết rằng tiết kiệm tiền là vô cùng quan trọng để có thể tự chủ, độc lập, tự do tài chính trong cuộc đời.
Tuy nhiên, nên tiết kiệm bao nhiêu tiền và tiết kiệm theo cách nào thì dễ làm nhất là điều không phải ai cũng nắm rõ.
Bài viết sẽ cung cấp cho bạn đáp án chính xác cho những băn khoăn, nhằm giúp bạn có thể tiết kiệm tiền hiệu quả.
Tư duy đúng về tiết kiệm tiền
Nhiều người nghĩ rằng: “Khi nào có nhiều tiền thì mới bắt đầu tiết kiệm”. Tư duy này sai hoàn toàn bởi sẽ “không bao giờ là đủ” để bạn chi tiêu. Chi tiêu là kẻ thù của tiết kiệm, chi tiêu càng nhiều càng khó tiết kiệm.
Tư duy đúng nên là: “Tiết kiệm tiền để có nhiều tiền hơn trong tương lai”. Đây là cách nghĩ và hành động của những người biết quản lý tài chính cá nhân.
Như vậy, thay vì thói quen cũ: “Chi tiêu trước rồi còn bao nhiêu mới tiết kiệm” thì nay bạn cần “Tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu”.
Hãy chủ động trích một phần từ thu nhập hàng tháng của bạn để chuyển sang tài khoản tiết kiệm ngay lập tức, sau đó bạn lên kế hoạch chi tiêu trong tháng dựa trên số tiền còn lại.
>> Đọc thêm: 5 sai lầm về quản lý tài chính cá nhân của người Việt
Nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng?
Sự thật là:
- Bạn càng tiết kiệm được nhiều tiền và đều đặn thì bạn càng nhanh chóng có nhiều tiền và giàu có.
- Bạn tiết kiệm ít tiền thì tiền của bạn sẽ không thể nhanh chóng có nhiều tiền.
Và: Tiết kiệm tiền là một kỹ năng có thể học được, chứ không phải là năng lực bẩm sinh.
Con số tối ưu chính là 20%: Bạn nên tiết kiệm 20% thu nhập của mình mỗi tháng. Bạn được phép chi tiêu và mua sắm với 80% thu nhập còn lại.
Với 80% thu nhập còn lại, bạn vẫn có thể xoay sở tốt với các chi phí sinh hoạt có thể kể đến như:
- Tiền nhà
- Tiền điện, nước
- Tiền điện thoại, internet
- Tiền học cho con
- Sữa/ bỉm
- Thuốc men
- Chi phí giao tế
- Mua sắm quần áo, vật dụng…
- …
Chúng ta có thể kể đến một số nguyên tắc quản lý chi tiêu nổi tiếng như: Quy tắc 6 chiếc lọ, Quy tắc 50/30/20, Quy tắc 70/10/10/10 thì điểm chung đều đưa ra lời khuyên là hãy tiết kiệm 20% thu nhập của bạn để sớm đạt Tự do tài chính.
Ví dụ cụ thể:
Bạn đang đi làm và có thu nhập 10 triệu mỗi tháng:
- Số tiền bạn nên tiết kiệm mỗi tháng là 2.000.000đ (20%)
- Số tiền bạn có thể chi tiêu mỗi tháng là 8.000.000đ (80%)
- Bạn có thể tăng khoản tiết kiệm lên 25-30%, thậm chí là cao hơn nếu có thể. Càng tiết kiệm nhiều, bạn càng nhanh giàu có.
Hình ảnh dưới đây sẽ rõ ràng hơn:
Nếu mỗi tháng bạn có thể tiết kiệm 100$ và giả định mức lãi suất 10%/ năm thì sau 20 năm số tiền bạn có sẽ là:
Rõ ràng kết quả này là quá ấn tượng bởi chúng ta chưa kể đến yếu tố như: Bạn tăng giá trị khoản tiết kiệm bởi thu nhập gia tăng, hoặc bạn dùng phần tiền tiết kiệm để đầu tư sinh lời với tỷ suất cao hơn 10% minh họa…
Nếu một người 20 tuổi và ý thức sớm được việc tiết kiệm tiền thì sức khỏe tài chính của họ là vô cùng khác biệt so với những bạn bè cùng trang lứa ở tuổi 30 hay 40.
Tiền tiết kiệm nên để ở đâu?
Câu trả lời dễ nhất là: Gửi ngân hàng.
Tích tiểu thành đại. Số tiền ban đầu của bạn chưa lớn, vì thế có thể lựa chọn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Bạn có thể lựa chọn 2 hình thức gửi tiết kiệm: Một là, mỗi tháng mở 1 sổ tiết kiệm mới độc lập. Hai là, mỗi tháng tự động thêm tiền vào sổ tiết kiệm đã mở trước đó.
Cách nào cũng được, chỉ cần bạn hãy bắt đầu ngay bây giờ.
Giai đoạn cuối 2022 và đầu năm 2023 dự kiến lãi suất ngân hàng tăng cao, vì thế giữ tiền tại ngân hàng là một lựa chọn khá tốt.
Khi lãi suất ngân hàng giảm xuống, quay lại mức 6-7% thì bạn có thể chuyển khoản tiết kiệm dài hạn của mình sang Chứng chỉ quỹ.
Trong lúc đó, bạn có thể tìm hiểu và học về đầu tư chứng khoán, thị trường bất động sản để chuẩn bị cho giai đoạn sôi nổi tiếp theo của thị trường (dự đoán cuối 2023 – 2025).
>> Tìm hiểu Khóa học đầu tư chứng khoán miễn phí từ 0 – PRO khai giảng hàng tháng
Với số tiền nhàn rỗi bạn tích lũy mỗi tháng thông qua tiết kiệm, tương lai bạn có thể chớp lấy những cơ hội mà bạn đã bỏ lỡ bấy lâu và làm giàu ở chu kỳ sắp tới.
Nhưng hãy nhớ là bạn luôn cần duy trì một Quỹ khẩn cấp để sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ đó nhé.
Câu hỏi thường gặp
Đây là những câu hỏi, tình huống thường gặp khi mọi người chớm nghĩ tới việc tiết kiệm.
Đang nợ, vay ngân hàng, thẻ tín dụng
Nếu bạn đang nợ tiền mua ô tô hoặc mua nhà và phải trả góp hàng tháng, việc đầu tiên hãy tính toán xem khoản tiền bạn đang phải trả mỗi tháng chiếm bao nhiêu % thu nhập.
Nếu số tiền đó lớn hơn 20% thu nhập thì hãy ƯU TIÊN VIỆC TRẢ NỢ trước. Lãi suất vay bạn phải trả luôn cao hơn lãi suất tiết kiệm, và vì thế nên ưu tiên trả hết các khoản nợ đang có.
Hãy tiêu tiết kiệm hơn, để dành nhiều tiền để trả nợ hơn để sớm có cơ hội thực hiện kế hoạch tiết kiệm cho tương lai.
Nếu bạn đang có nợ thẻ tín dụng, cũng hãy ưu tiên trả dứt điểm thẻ tín dụng và không tiêu pha phung phí ở tháng kế tiếp.
Lời khuyên cho những ai dùng thẻ tín dụng: Chỉ nên tiêu tối đa 30% hạn mức thẻ được cấp với 2 điều kiện: Một là, bạn tin chắc mình sẽ trả hết số tiền đã tiêu trước hạn thanh toán. Hai là, việc quẹt thẻ sẽ mang lại những giá trị (tích lũy điểm, phiếu giảm giá, nhận quà tặng…) hơn là tiêu tiền mặt. Nếu không có lợi ích nổi bật, hãy dùng tiền mặt.
Đang phải chi tiêu nhiều, chưa thể tiết kiệm 20%
Tỷ phú Warren Buffet đã nói: “Nếu bạn mua những thứ không cần thiết, sớm muộn bạn sẽ phải bán đi những thứ mình cần”. Gốc rễ của mọi vấn đề là bạn không biết khoản nào nên chi, khoản nào không nên chi.
Việc mua sắm mang lại cảm xúc tức thời ngắn hạn, trong khi việc tiết kiệm tiền sẽ đảm bảo tương lai của bạn trong dài hạn.
Nhiều món đồ đắt tiền bạn đã mua nhưng chẳng dùng tới hoặc ít dùng, liên tục như vậy sẽ làm cho bạn luôn gặp vấn đề về tài chính.
Hãy hướng đến mục tiêu tiết kiệm được ít nhất 20% thu nhập mỗi tháng.
Nếu 20% ngay bây giờ là quá khó, hãy bắt đầu với THẬM CHÍ chỉ 1% tiết kiệm mỗi tháng. Và tăng dần thêm 1% mỗi tháng kế tiếp cho tới khi đủ 20%.
Việc này giúp bạn rèn luyện thói quen, tư duy về tiền bạc tốt – cơ sở để bạn trở thành nhà quản lý tài chính cá nhân giỏi.
Tổng kết:
Qua bài viết hôm nay, chúng ta đã hiểu rõ về tầm quan trọng của tiết kiệm tiền và số tiền chúng ta nên tiết kiệm đều đặn. Hãy bắt tay ngay hôm nay để sớm đạt được các kế hoạch về tài chính bạn nhé.
Chúc bạn thành công và hạnh phúc!
Bạn thấy tâm đắc điều gì với nội dung bài viết? Hãy chia sẻ nhé!
Bạn suy nghĩ gì về nội dung bài viết? Hãy chia sẻ cho tác giả cùng toàn bộ bạn đọc nhé!