quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Làm gì để Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả?

Thời gian đọc: 11 phút

Quản lý tài chính cá nhân không phải là kỹ năng mà các bậc cha mẹ Việt có thể dạy tốt cho con cái của mình, đa số là như vậy.

Bởi thế, những người không có kỹ năng Quản lý tài chính cá nhân sẽ khá vất vả trong cuộc sống khi luôn gặp các vấn đề liên quan tới tiền bạc, cho dù họ không phải là người thích nói về tiền bạc.

Bài viết này Dr Tài Chính sẽ chia sẻ về Tài chính cá nhân: về tầm quan trọng cũng như những việc cần làm cụ thể để Quản lý tài chính cá nhân tốt cho mọi người.

Tầm quan trọng của Quản lý Tài chính cá nhân

Tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì vất vả lắm ai ơi…

Đôi khi chúng ta nói rằng bản thân không muốn phải làm việc vì tiền và không coi tiền là tất cả. Tuy nhiên, chúng ta cần tiền để có thể sống và làm những điều ta muốn trong cuộc đời.

Khi còn nhỏ, chúng ta cần tiền để ăn uống, học tập, mua sắm quần áo… Tiền này bố mẹ đã chi trả.

Khi lớn hơn và vẫn còn độc thân, chúng ta vẫn cần tiền để chi phí sinh hoạt, du lịch, mua sắm… Đó là lý do ta phải đi làm để kiếm tiền.

Khi kết hôn và có con, chúng ta cần tiền để duy trì cuộc sống gia đình và nuôi lớn những đứa con. Áp lực kiếm tiền tăng gấp 2-3 lần ở thời điểm này.

Khi già đi, chúng ta lại cần tiền để tuổi già chi tiêu, đôi khi là 1 khoản để sẵn nhỡ ốm đau, bệnh tật sẽ không phụ thuộc vào con cháu. Nhiều người còn dành dụm một khoản để lại coi như tài sản thừa kế.

Khi chết đi, ta lại cần tiền để lo liệu hậu sự… Khoản tiền này do con cái, cháu chắt lo liệu…

Cuộc sống của một con người từ khi sinh ra tới khi chết đi, đều cần tới tiền.

Ai cũng có thể kiếm tiền chỉ là nhiều hay ít, nhưng rất hiếm người biết cách quản lý tiền.

Để có thể quản lý tiền tốt, bạn cần kỹ năng: Đó là Kỹ năng Quản lý tài chính cá nhân.

Sự khác biệt lớn nhất trong tương lai của người biết Quản lý tài chính cá nhân và người không có kỹ năng này là:

  • Người có kỹ năng Quản lý TCCN: Ở một thời điểm họ sẽ đạt mục tiêu Tự do tài chính, là khi họ có nhiều nguồn thu nhập đủ khả năng chi trả các khoản chi phí đã được tối giản và vẫn còn dư tiền để tiếp tục sinh lời. Họ sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn, không phải chịu áp lực lớn từ việc đi làm kiếm tiền và có nhiều thời gian hơn cho những thú vui khác trong cuộc sống.
  • Người không biết Quản lý TCCN: Luôn phải đi làm để kiếm sống vì họ chỉ có nguồn thu nhập giới hạn và không hề có nhiều tiền tiết kiệm hoặc các nguồn thu nhập khác. Chỉ cần ngừng làm việc thì ngay lập tức vấn đề xảy ra với gia đình họ. Nhiều người vướng phải nợ nần chồng chất và không thể tìm cách xoay sở, dẫn tới nhiều hệ luỵ.

Sự thật là: Nếu bạn không thể quản lý tiền của chính mình thì chắc chắn bạn sẽ không có khả năng Quản lý tiền của một nhóm, tổ chức hay doanh nghiệp nào cả. Có đưa cho bạn bao nhiêu tiền thì cũng HẾT!

Tin vui là: Kỹ năng Quản lý tài chính cá nhân là điều bạn có thể học được nếu bạn nhìn nhận đúng và bắt tay ngay từ hôm nay.

Dr Tài Chính chia sẻ về Tầm quan trọng của Quản lý tài chính cá nhân như vậy để mong bạn hiểu rằng đây là yếu tố sống còn để bạn đạt hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Hãy bắt đầu bạn nhé!

Quản lý Tài chính cá nhân là làm những gì?

Để quản lý tài chính cá nhân tốt, bạn cần quan tâm và quản lý mọi khía cạnh tác động tới dòng tiền của bạn. Cụ thể:

1. Có mục tiêu tài chính rõ ràng

Hãy nghĩ về mục tiêu tài chính đủ lớn và truyền cảm hứng cho bạn hướng tới.

Đó có thể là:

  1. Mua căn nhà thứ 2 để cho thuê (tạo ra thu nhập thụ động)
  2. Có thu nhập Thụ động bằng với chi phí sinh hoạt (Độc lập tài chính)
  3. Có thu nhập thụ động bằng 2 lần chi phí sinh hoạt (Tự do tài chính)
  4. Về hưu sớm ở tuổi 40 hoặc 45 với nguồn thu nhập thụ động đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt
  5. Sở hữu 3-5 nguồn thu nhập đa dạng ở tuổi 40

Những mục tiêu như vậy không hề dễ dàng và bạn có thể bỏ cuộc ngay từ trong suy nghĩ, nhưng thực tế những người giàu có họ đặt mục tiêu như vậy, thậm chí còn cao hơn. Vì thế họ nỗ lực không ngừng nghỉ và tận hưởng thành quả của mình ở tuổi trung niên.

Việc suy nghĩ và đặt mục tiêu tài chính cao cũng giúp bạn thoát khỏi Bẫy thu nhập trung bình (cá nhân), là khi bạn có thu nhập ở mức “tương đối tốt” nếu so sánh với mặt bằng chung của xã hội. Từ lúc đó, bạn mất đi nhiều động lực để cố gắng và bỏ lỡ quá nhiều tiềm năng của bản thân.

Hãy xác định một mục tiêu tài chính cụ thể và đủ lớn để bạn phải “nhấc mông” lên và làm việc mỗi ngày!

Quy tắc 6 Chiếc lọ tài chính cá nhân – Quản lý chi tiêu đơn giản, hiệu quả

2. Quản lý chi tiêu

Những người nghèo luôn gặp khó khăn trong việc quản lý chi tiêu và có xu hướng chi tiêu nhiều hơn là tiết kiệm.

Còn người giàu thì ngược lại, họ không gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng thu chi. Không hẳn vì họ giàu, nhiều tiền nên không gặp vấn đề này mà là họ đã ý thức được việc quản lý chi tiêu quan trọng thế nào từ quá khứ. Do đó họ mới giàu có như hiện tại.

Tất nhiên, chúng ta đang nói tới những người Giàu tự thân, chứ không nói tới những người vốn dĩ đã giàu có vì được “ngậm thìa vàng” từ nhỏ.

Sự thực là:

Việc mua sắm một món đồ mới chỉ mang lại cho bạn cảm xúc hào hứng trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Chi tiêu nhiều khiến bạn thâm hụt tài chính và có nguy cơ mang nợ. Việc nợ tiền người khác sẽ tạo cho bạn cảm xúc tự ti, xấu hổ trong khoảng thời gian rất dài. Cho dù có trả nợ hết thì bạn vẫn luôn cảm thấy “không tự tin hoàn toàn” khi đối diện với chủ nợ.

Thường thì những người thực sự giàu có sẽ không khoe mẽ hay thích những món đồ xa xỉ, họ tận hưởng cuộc sống thanh đạm và đơn giản.

Những người giàu (tự thân) mà tôi biết lại vô cùng đơn giản, từ trang phục tới thói quen ăn uống… Họ không bị áp lực như những người khác là phải mua cái này, mua cái kia cho “bằng bạn bằng bè”.

Ngành truyền thông, Marketing trên thế giới đang liên tục “nhét” vào đầu con người những thông điệp để thúc đẩy nhu cầu mua sắm. Nếu bạn không vững vàng, dành toàn bộ số tiền mình vất vả kiếm được để rồi ném vào mua sắm những thứ chỉ mang lại cảm xúc nhất thời thì bạn sẽ phải làm việc cả đời, không ngừng nghỉ để duy trì cuộc sống.

Tỉ phú Warren Buffet đã nói: “Nếu bạn mua những thứ không cần thiết, sớm muộn bạn sẽ phải bán đi những thứ mình cần”.

Có nhiều gợi ý để bạn có thể bắt đầu Quản lý chi tiêu của mình mỗi tháng, bằng cách sử dụng một trong các Quy tắc quản lý như:

Lời khuyên từ các Quy tắc là bạn nên giới hạn chi tiêu của mình ở mức dưới 70% thu nhập hàng tháng. Tốt nhất là chỉ nên chi tiêu tối đa 50% thu nhập mà thôi.

Quỹ khẩn cấp là gì? Xây dựng Quỹ dự phòng khẩn cấp thế nào?

3. Tiết kiệm

Người nghèo sẽ nghĩ “Khi nào có nhiều tiền tôi sẽ bắt đầu Tiết kiệm”.

Còn người Giàu sẽ nói “Tôi phải tiết kiệm ngay, bởi nếu không thì tôi không thể có nhiều tiền”.

Những người có Kỹ năng Quản lý tài chính cá nhân ý thức rất sớm tầm quan trọng của việc Tiết kiệm tiền. Vì thế họ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc Tiết kiệm thay vì Chi tiêu.

Họ bắt đầu tiết kiệm ngay từ những đồng thu nhập đầu tiên kiếm được trong đời. Họ bắt đầu với việc tiết kiệm từ khi 20-22 tuổi và sức khoẻ tài chính của họ năm 30 tuổi hoàn toàn khác xa so với bạn bè cùng trang lứa.

Nên tiết kiệm bao nhiêu thì đủ?

Bạn nên hướng tới mục tiêu tiết kiệm 20% thu nhập mỗi tháng để có nền tảng tài chính vững chắc hơn cho tương lai.

Nếu bạn chưa quen với việc tiết kiệm hoặc khó khăn trong việc chi tiêu, thậm chí bạn có thể bắt đầu tiết kiệm với mức 1% thu nhập mỗi tháng, sau đó tăng lên 1% mỗi tháng kế tiếp cho tới khi đạt tỉ lệ 20% tiết kiệm hàng tháng.

Cứ tưởng tượng rằng thu nhập của bạn bị đánh thuế 20%, và bạn sẽ vẫn sống tốt với 80% thu nhập còn lại.

20% thu nhập này chính là tương lai của bạn và gia đình bạn đó!

Sau 1-2 năm kiên trì tiết kiệm, bạn sẽ rèn luyện được thói quen và tư duy quản lý chi tiêu, tiết kiệm, từ đó bạn có thể gia tăng tỉ lệ tiết kiệm lên 30%.

Càng tiết kiệm nhiều tiền hơn, cuộc sống bạn càng hạnh phúc hơn bởi bạn có thể tự làm chủ cảm xúc và không bị những cám dỗ mua sắm làm phiền.

Trong gia đình, nếu cha mẹ là người quản lý chi tiêu và tiết kiệm tốt, con cái cũng sẽ được hưởng lợi và quen với tư duy quản lý tiền. Từ đó chúng có nền tảng tốt hơn trong tương lai khi bước vào đời.

Để tiền tiết kiệm ở đâu?

Hãy mở sổ tiết kiệm tại các ngân hàng khi mới bắt đầu tiết kiệm, mỗi tháng một vài triệu đã có thể mở một sổ tiết kiệm online rồi.

Số tiền bạn có sẽ lớn lên theo từng năm, và một thời điểm có đủ kiến thức đầu tư, bạn có thể sử dụng chúng để đầu tư nhằm tăng trưởng tiền bạc mạnh mẽ hơn.

Hãy nhớ: Lúc bắt đầu, cứ tận dụng phương pháp mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng trước đã!

9 Sai lầm tài chính cá nhân mà bạn cần tránh

4. Quản lý nợ

Nợ nần sẽ là một rào cản lớn với bạn, ngăn bạn đạt hạnh phúc tài chính thực sự.

Người mang nợ sẽ luôn vướng bận đầu óc và không đủ minh mẫn để làm việc và thăng hoa trong sự nghiệp.

Nếu bạn đang dính vào nợ

Đó có thể là: Nợ thẻ tín dụng, Nợ bạn bè, Nợ ngân hàng, Nợ gia đình…

Thì việc bạn cần ưu tiên là: TRẢ NỢ thay vì Tiết kiệm hay Đầu tư.

Hãy dành ra 20% thu nhập hàng tháng mà lẽ ra để tiết kiệm để Trả nợ bởi lãi suất tiết kiệm sẽ luôn thấp hơn lãi suất cho vay. Vì thế hãy ưu tiên trả dứt điểm các khoản nợ.

Tuyệt đối tránh sử dụng số tiền lẽ ra để trả nợ để đầu tư chứng khoán, tiền điện tử hay bất động sản bởi nguy cơ mất tiền cao hơn nhiều so với cơ hội có lãi.

Chấp nhận bỏ ra nhiều năm để cày cuốc và trả dứt điểm các khoản nợ sẽ mang lại giá trị xứng đáng hơn nhiều khi đặt cược số phận vào “may mắn” khi đầu tư.

Trong giai đoạn này, hãy tìm thêm công việc thứ 2 để có thêm nguồn thu nhập giúp bạn nhanh chóng trả nợ xong xuôi.

Nếu bạn chưa dính vào nợ nần

Thì tốt nhất bạn đừng vay mượn hay nợ nần. Và tuyệt đối thận trọng với thẻ tín dụng.

Nếu bạn định vay tiền mua nhà hay mua xe thì hãy nhớ: “Số tiền trả nợ hàng tháng không được vượt quá 40% thu nhập”. Nếu khoản thanh toán nợ hàng tháng vượt quá ngưỡng này, bạn sẽ gặp rắc rối cực lớn về tài chính.

Phương án an toàn nếu bạn dự định mua trả hay mua xe trả góp là khi bạn có tiền mặt từ 60-70% giá trị tài sản định trả góp trở nên. Chỉ vay 30-40% giá trị sẽ là an toàn cho kế hoạch trả nợ.

Các kế hoạch vay lớn hơn 40% giá trị tài sản đều ẩn chứa các rủi ro cực lớn trong tương lai:

  • Phải thanh lý tài sản đang trả góp để trả nợ cho ngân hàng
  • Phải bán tài sản của cha mẹ để trả nợ cho ngân hàng
  • Stress triền miên vì cả đời phải đi làm và trả nợ

Thay vì đau đầu nghĩ cách trả nợ, hãy tận hưởng việc thư thái khi có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, bản thân sau mỗi ngày làm việc; cảm thấy an tâm khi mỗi tháng có thể tiết kiệm 20% thu nhập; cảm thấy cuộc sống đơn giản hơn khi ở trong căn hộ đi thuê.

Hãy tìm kiếm một công việc làm thêm để có thêm thu nhập cho kế hoạch tiết kiệm, đầu tư. Từ đó sớm có đủ tiền để thực hiện ước mơ.

Kiên trì. Kiên trì. Kiên trì.

Và rồi bạn sẽ sở hữu tài sản như Xe hơi, hay Ngôi nhà ở tương lai vì bạn hoàn toàn xứng đáng.

5. Đầu tư

Đầu tư là cách giúp tiền của bạn sinh sôi nảy nở.

Chỉ khi đầu tư tiền thì bạn mới cảm thấy rằng “tiền bạc đang làm việc cho bạn”. Còn khi bạn đi làm để kiếm tiền thì “bạn đang đổi thời gian của mình để lấy tiền”.

Tuy nhiên, việc chọn thời điểm khi nào nên đầu tư là việc bạn cần quan tâm.

Tư duy đúng về đầu tư nên là:

  1. Chỉ sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư. Đó chính là khoản tiền tiết kiệm bạn có, hoặc tối đa có thể trích 20% từ thu nhập hàng tháng để đầu tư (với điều kiện bạn đang quản lý chi tiêu tốt và không nợ nần).
  2. Nếu bạn là nhà đầu tư cá nhân và không phải dân chuyên nghiệp, hãy xác định sẽ đầu tư theo tư duy Holding (giữ các khoản đầu tư) trong 2-5 năm.
  3. Không phải dân chuyên nghiệp đầu tư, tuyệt đối không được bỏ việc hiện tại để dồn toàn bộ thời gian sang đầu tư. Hãy tiếp tục tập trung gia tăng thu nhập tại công việc hiện tại và dành 20% thu nhập để đầu tư.
  4. Lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với mục tiêu đầu tư và khẩu vị rủi ro của bản thân.

>> Làm bài: Trắc nghiệm khẩu vị rủi ro đầu tư của bạn như thế nào?

Tuỳ vào mức độ chấp nhận rủi ro và kiến thức đầu tư mà bạn có thể lựa chọn:

Kênh đầu tư ít rủi ro: Chứng chỉ Quỹ

Kênh đầu tư rủi ro nhiều hơn: Cổ phiếu, Chứng khoán, Góp vốn kinh doanh, Bất động sản

Kênh đầu tư rủi ro cao: Tiền điện tử (Cryptos)

>> Làm bài Test để đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro của bạn!

Hãy chỉ xuống tiền đầu tư khi bạn thực sự hiểu rõ: Đầu tư để làm gì? Đầu tư rồi tiền của bạn sẽ đi đâu? Khoản đầu tư đó có lãi vì lý do gì? Rủi ro gì sẽ làm khoản đầu tư đó thua lỗ?

Nếu không có câu trả lời cho những câu hỏi đó, tốt nhất bạn chưa nên đầu tư mà hãy tiếp tục giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm để học hỏi thêm và chờ thời điểm phù hợp hơn.

>> Tìm hiểu thêm: Khoá học Đầu tư chứng khoán miễn phí cho người mới từ 0 – PRO

Tổng kết:

Với tất cả sự chân thành từ tác giả, mong bạn hiểu rằng chúng ta không thể cứ đi làm và kiếm tiền mãi được bởi ai rồi cũng già đi.

Năng lực kiếm tiền ở tuổi già sẽ thấp hơn nhiều khi ta còn trẻ, còn khoẻ.

Và vì thế, chúng ta cần có thêm nhiều nguồn thu nhập ở độ tuổi ngoài 40 để đảm bảo cho tương lai của chính mình.

Để làm được điều đó, chúng ta cần nghiêm túc Quản lý chi tiêu, tiết kiệm, quản lý nợ và lên kế hoạch đầu tư ngay từ bây giờ.

Làm được điều đó thì chúng ta đã có kỹ năng Quản lý tiền của mình.

Làm được điều đó, chúng ta đã có thể Quản lý tài chính cá nhân của mình hiệu quả.

Hạnh phúc thực sự ngoài việc có sức khoẻ và tình cảm thì còn cần thêm Hạnh phúc tài chính nữa.

Chúc bạn thành công!

5/5 - (3 bình chọn)
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

2 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x