5 sai lam nguoi viet ve quan ly tai chinh ca nhan

5 Sai lầm trong Quản lý tài chính cá nhân của người Việt

Thời gian đọc: 9 phút

Đại đa số người Việt Nam lớn lên và gần như không có kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân ngoại trừ một số ít những người được đào tạo về chủ đề này ở các trường đại học.

Điều này cũng dễ hiểu bởi chỉ cách đây vài chục năm thì Việt Nam vẫn còn chiến tranh, bom đạn. Thời đó, ông bà chúng ta chỉ cần có đủ ăn để không bị đói đã là tốt lắm rồi. Hơi sức đâu mà quan tâm tới tài chính cá nhân?!

Thế hệ Gen Z hiện nay nếu so với Gen X hay Gen Y trước đó về kiến thức Tài chính nói chung, tài chính cá nhân nói riêng thì có sự khác biệt rõ rệt.

Nhiều bạn trẻ chỉ mới hơn 20 tuổi, mới đi làm nhưng đã có kế hoạch chi tiết cho việc tiết kiệm, đầu tư tiền bạc. Họ tìm tòi và nghiên cứu về các chủ đề độc lập tài chính và tự do tài chính.

Trong khi đó, số đông thế hệ Gen X hay Gen Y vẫn đang vật lộn với các khoản chi tiêu và trách nhiệm tài chính. Năng lực kiếm tiền của 2 thế hệ này vô cùng tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với năng lực giữ tiền mà họ có.

Bài viết này từ trải nghiệm, góc nhìn của tác giả về 5 Sai lầm phổ biến trong Quản lý tài chính cá nhân của người Việt. Đặc biệt là thế hệ Gen X và Y.

Sai lầm 1: Không ý thức tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền

Số đông người Việt không biết cách tiết kiệm tiền bởi họ không hiểu vì sao lại phải tiết kiệm tiền?

Những ai sống ở giai đoạn Việt Nam năm 1980 hay 1990 sẽ hiểu tự túng thiếu, khổ cực thời điểm đó. Và họ cũng là người chứng kiến sự thay đổi chóng mặt trong cuộc sống tại nước ta trong vài chục năm qua.

Những ai tầm tuổi 25-40 ở thời điểm hiện tại sẽ có xu hướng mua sắm nhiều bởi tâm lý “muốn gia đình được đủ đầy các tiện ích, vật dụng…” để nâng cao chất lượng sống.

Cộng thêm đó là việc ngành công nghiệp Marketing phát triển khiến ngày càng xuất hiện nhiều mặt hàng đẹp đẽ, nhiều tính năng với những lời quảng cáo hấp dẫn để thôi thúc chúng ta “phải chi tiền” để mua chúng.

Và càng mua sắm nhiều thì càng nhanh hết tiền, và từ đó sẽ chẳng có tiền tiết kiệm.

Nhiều người Việt đã 30 hay 35 tuổi nhưng trong tài khoản tiết kiệm không có nổi 100 triệu. Cho dù thu nhập hàng tháng có thể rất cao.

Họ chi tiêu và mua sắm thoải mái, đôi khi còn vay mượn để thoả mãn niềm vui mua sắm… Họ đang đánh cược rằng “cuộc sống sẽ luôn ổn định” và “họ sẽ luôn kiếm được tiền trong tương lai bằng hoặc tốt hơn hiện tại”.

Và khi một sự cố bất ngờ xảy đến cần ngay một khoản tiền, họ phải tìm cách xoay sở, vay mượn để giải quyết.

Thậm chí có nhiều người còn bán tài sản để có đủ tiền lo liệu.

>> Đọc thêm: Quỹ dự phòng khẩn cấp mà ai cũng cần là gì?

Sự thực là: Nếu bạn không thể tiết kiệm tiền đồng nghĩa với việc bạn phó mặc số phận của gia đình cho những rủi ro không lường trước. Việc không tiết kiệm tiền ngay từ hôm nay sẽ khiến bạn phải làm việc cả đời, ngay cả khi tuổi già ập để có đủ tiền chi tiêu.

Sai lầm 2: Không ghi chép chi tiêu hàng tháng

Tôi cũng đã từng mắc sai lầm như vậy trong quãng thời gian quá dài.

Kiếm được nhiều tiền nhưng không biết quản lý tiền.

Tiêu tiền vô tội vạ là cách nhanh nhất để bạn ném toàn bộ công sức làm việc của mình trong tháng đó để đổi lấy những vật dụng mà có khi bạn chỉ dùng 1 vài lần, thậm chí chả lần nào.

Không ghi chép chi tiêu hàng ngày, hàng tháng khiến bạn không hiểu rõ tài chính của chính mình. Bạn không biết mình đang tốn tiền vào đâu, bạn cũng chẳng biết phải điều chỉnh thế nào để tình hình trở nên tốt hơn.

Có rất nhiều các gợi ý để bạn có thể quản lý chi tiêu như: Quy tắc 50/30/20 hay Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính hoặc Quy tắc 70/10/10/10.

Điểm chung của các Quy tắc này là bạn chỉ nên dành từ 50-70% thu nhập cho việc chi tiêu các nhu cầu thiết yếu, mua sắm, giải trí mà thôi. Phần còn lại cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả cho tương lai của bạn.

Chỉ có ghi chép chi tiêu mới giúp bạn biết chắc chắn bạn đang tiêu tiền của mình như thế nào, từ đó điều chỉnh và thay đổi để quản lý được tiền của mình.

Ai cũng nói rằng: “Muốn được đi du lịch đây đó, và không muốn cuộc sống lúc nào cũng gặp áp lực về tiền bạc“. Và cho rằng đó là giấc mơ của họ.

Nhưng sự thực là: Nếu không nghiêm túc lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm ngay từ hôm nay thì cả đời bạn sẽ phải đi kiếm tiền. Và trọn một kiếp người, giấc mơ của bạn sẽ không trở thành hiện thực.

Nếu để chọn ra một việc dễ làm nhất mà những chuyên gia quản lý tài chính cá nhân đã từng làm ở thời điểm mới bắt đầu, thì đó chắc chắn sẽ là Ghi chép chi tiêu!

Sai lầm 3: Không có mục tiêu tài chính rõ ràng

Hầu như ai cũng sẽ trả lời “có” nếu được hỏi “Có mong muốn được tự chủ tài chính cả khi trẻ và khi già đi để không phụ thuộc vào ai không?”.

Câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Cần bao nhiêu tiền để đạt được điều đó?” thì không mấy ai trả lời được rõ ràng.

Có người nói sẽ cần 1 tỷ, hay 2 tỷ, hay 1 triệu đô la… nhưng không thể giải thích được lý do tại sao lại cần con số đó.

Nếu bạn muốn cuộc sống hiện tại có thể tạm yên ổn, bạn cần có Quỹ khẩn cấp.

Nếu bạn muốn có sức khỏe tài chính tốt trong tương lai, bạn cần có Kế hoạch tiết kiệm.

Để phòng tránh những rủi ro bất ngờ, bạn cần tới các Quỹ từ các loại hình bảo hiểm.

Nếu bạn muốn tuổi già thảnh thơi, bạn cần có Quỹ hưu trí.

Đã bao giờ bạn nghiêm túc tìm hiểu xem bạn cần bao nhiêu tiền cho mỗi mục tiêu đó hay chưa?

Nếu câu trả lời là chưa, thì cuộc sống của bạn có thể sẽ thế này:

  1. Bạn kiếm được tiền và thoải mái chi tiêu theo số tiền bạn có
  2. Mua sắm và chi tiêu khiến bạn vui nhiều hơn là tiết kiệm tiền
  3. 30 tuổi hay 35 tuổi, bạn chỉ có số tiền tiết kiệm ít ỏi và đang gánh một khoản nợ (trả góp nhà hoặc xe)
  4. Có thể bạn sẽ gặp các vấn đề về thẻ tín dụng: trả nợ hàng tháng với lãi suất cao hoặc tìm cách đáo nợ
  5. Bạn không có sẵn số tiền lớn nếu gặp vấn đề sức khỏe hoặc sự cố. Tìm nơi vay tiền là cách duy nhất bạn có nếu không tính tới việc bán tài sản
  6. Bạn chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ giáo dục con cái của mình về tiền bạc khi còn nhỏ
  7. Bạn chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất, thậm chí còn chả quan tâm tới cơ hội tìm nguồn thu nhập thứ hai
  8. Nếu dính phải nợ nần liên miên, bạn có thể phải bán tài sản mới trả được nợ
  9. Bạn dễ bị mất tiền khi đầu tư chứng khoán, Cryptos, bất động sản bởi bạn hầu như không có kiến thức, kỹ năng gì về tài chính, đầu tư

Trong bóng đá, để thắng trò chơi, bạn cần đưa bóng vào Goal.

Vậy trong cuộc đời, để thắng trò chơi, bạn đã biết Goal (Mục tiêu) của mình là gì chưa?

>> Một mục tiêu đề xuất cho bạn, hãy hướng tới việc Độc lập tài chính bạn nhé!

Sai lầm 4: Lạm dụng Thẻ tín dụng

Đây là một vấn đề vô cùng đáng lưu tâm ở thời điểm hiện nay.

Thẻ tín dụng có ưu điểm: tiêu trước trả tiền sau và có thể giúp bạn nhận 1 số ưu đãi nhất định trong một số thanh toán.

Thẻ tín dụng cũng có thể giúp bạn rút ra tiền mặt để chi tiêu và sau đó trả lại vào ngày thanh toán.

Nhưng thực tế: Thẻ tín dụng chỉ an toàn nếu vào tay người biết Quản lý tài chính cá nhân, còn ngược lại thì nó trở thành con dao sắc lẹm chặt đứt tất cả những cơ hội bạn có để tiết kiệm tiền thành công.

Trong tất cả Quy tắc quản lý chi tiêu, người ta khuyên bạn chỉ nên chi 50-70% thu nhập hàng tháng cho việc chi tiêu. Phần còn lại dùng để tiết kiệm, cho đi, đầu tư…

Bạn sẽ dễ dàng kiểm soát số tiền chi tiêu tối đa nếu sử dụng tiền mặt hoặc thẻ ghi nợ, bởi bạn chỉ tiêu được khi bạn đang có sẵn tiền trong tài khoản.

Còn thẻ tín dụng giống như là “bạn tiêu trước đồng tiền của tháng sau cho tháng này”.

Bạn thích chiếc iphone mới nhưng chưa đủ tiền, bạn sẽ không mua nữa và vẫn giữ được tiền của mình.

Nhưng với thẻ tín dụng, bạn nghĩ rằng “cứ mua đi rồi tháng sau trả cũng được”. Vậy là bạn mua chiếc iphone mới trong khi điện thoại cũ vẫn sử dụng tốt.

Không hề khó để các ngân hàng cấp cho bạn thẻ tín dụng với hạn mức từ 20 triệu đồng, thậm chí hạn mức cao hơn. Nhưng khi bắt đầu tiêu tới số tiền này, bạn đã mang một khoản nợ.

Đến tháng sau, bạn có thể có tiền để trả hết nợ thẻ tín dụng nhưng rồi bạn lại dùng thẻ tín dụng để tiêu tiếp cho tháng đó. Một vòng lặp nợ thẻ tín dụng được tạo ra.

Nếu không đủ tiền để trả hết nợ thẻ, bạn sẽ cần trả tối thiểu số tiền do ngân hàng quy định và chịu lãi từ 25-40%/ năm cho số nợ còn lại.

Thông thường bạn sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và tiêu hết hạn mức tối đa của thẻ, để rồi sau đó lại mở thêm 1 thẻ tín dụng của bên ngân hàng khác và lại chi tiêu…

Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy, và nếu ghi chép lại bạn sẽ thấy khoản chi tiêu hàng tháng của mình (bao gồm cả trả nợ thẻ tín dụng) đã vượt 100% thu nhập hàng tháng của bạn.

Khi đó, chính thức bạn rơi vào vòng lặp nợ nần và thâm hụt chi tiêu. Tìm kiếm các khoản nợ mới để trả các khoản nợ cũ.

Khi dính vào nợ nần, bạn không thể kỳ vọng bản thân có thể thăng hoa trong công việc bởi tâm trí của bạn bị trói buộc với thực tại trả nợ.

Nợ nần cũng là 1 trong những nguyên nhân gây ra Stress nhiều nhất trên thế giới.

Lời khuyên: Bạn chỉ nên tiêu thẻ tín dụng tối đa bằng 30% hạn mức được cấp, và phải đảm bảo bạn có đủ tiền để thanh toán toàn bộ ở ngày thanh toán.

Sai lầm 5: Thiếu hiểu biết về đầu tư và mất tiền

Đầu tư chứng khoán, tiền điện tử, bất động sản… là những kênh đầu tư mang lại cơ hội lợi nhuận tốt, nhưng đi kèm với rủi ro cực lớn.

Những nhà đầu tư chuyên nghiệp khi tham gia các thị trường đầu tư này thì có cơ hội chiến thắng cao hơn Nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.

Những năm qua thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư F0 (Nhà đầu tư cá nhân, không chuyên) tham gia thị trường.

Họ mua những mã chứng khoán mà chính họ không biết mã chứng khoán đó của công ty nào, công ty đó kinh doanh lĩnh vực gì, báo cáo kinh doanh hàng năm của công ty đó ra sao… Họ mua bởi vì được người khác “phím” cho. Những người này có thể là bạn bè, đồng nghiệp cũ làm trong sàn chứng khoán.

Kết quả là họ mất sạch tiền khi tin tưởng vào những sales chứng khoán không có tâm:

  • Ban đầu họ thử đầu tư 10-20 triệu và thấy lãi
  • Sau đó tiếp tục đầu tư thêm tiền
  • Khi đang có lãi, họ không bán để chốt lãi mà tiếp tục giữ
  • Hoặc khi đang lỗ, họ cũng không cắt lỗ mà tiếp tục giữ để chờ giá tăng lên
  • Họ sử dụng đòn bẩy Margin và bị cháy tài khoản khi khoản đầu tư đi xuống

Bạn chỉ nên sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư bởi nếu có thất bại thì vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng sống hiện tại.

Còn nếu dùng thu nhập hàng tháng để đầu tư thì bạn chỉ nên dành ra 20% thu nhập để đầu tư mà thôi, 80% còn lại phải ưu tiên cho các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống.

Cái sai của nhiều người là dồn hết tiền mình có, bao gồm cả tiền dành cho việc mua nhà hoặc trả nợ… để đầu tư và sau đó họ mất tất cả.

Có nhiều người thậm chí còn bỏ cả công việc đang làm để tập trung toàn bộ thời gian để theo dõi thị trường.

Nhưng dành toàn bộ thời gian để làm gì khi bản thân mình không phải chuyên gia và hầu hết quyết định đưa ra đều do cảm xúc chứ không phải lý trí?

Khi khoản đầu tư thất bại, có người vừa mất việc vừa mất tiền; có người vừa mất tiền vừa mất gia đình (ly tán vì đầu tư thua); có người vừa mất tiền vừa mất mạng (nếu đi vay mượn để đầu tư).

>> Có lẽ bạn nên học qua khoá Đầu tư chứng khoán miễn phí từ 0 – PRO được chúng tôi cung cấp để nâng cao level của mình.

Điều bạn cần hiểu rằng:

Bạn chỉ nên đầu tư khi bạn có tiền nhàn rỗi và chỉ sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư.

Hàng tháng bạn có thể tăng giá trị khoản đầu tư của mình bằng cách trích ra 10-20% thu nhập mà thôi.

Và tuyệt đối: Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện nghỉ việc hoặc vay nợ để đầu tư. Bởi đây có thể là nút bấm khiến cuộc đời của bạn rơi vào bế tắc trong tương lai!

Kết bài:

Dr Tài chính vừa chia sẻ với bạn về 5 sai lầm phổ biến nhất của người Việt về quản lý tài chính cá nhân, trong đó có những trải nghiệm của chính bản thân tác giả.

Hi vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích với bạn và truyền cảm hứng cho bạn nghiêm túc tìm hiểu về Tài chính cá nhân để giúp cuộc sống của mỗi chúng ta tốt và hạnh phúc hơn.

Nếu bạn quan tâm tới chủ đề này, hãy theo dõi những bài viết tiếp theo nhé.

Chúc bạn mạnh khoẻ & thành công!

5/5 - (4 bình chọn)
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x