Việc chuẩn bị Quỹ khẩn cấp hay còn gọi là Quỹ dự phòng khẩn cấp cá nhân là việc nên làm của bất kỳ ai, cho dù giàu hay nghèo, già hay trẻ.
Người biết quản lý tài chính cá nhân sẽ luôn có Quỹ dự phòng khẩn cấp, còn người không có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân sẽ ngược lại.
Vậy Quỹ khẩn cấp là gì? Khi nào thì cần Quỹ dự phòng khẩn cấp?
Trong cuộc sống, có những thứ sẽ bất chợt xảy đến và đôi khi chúng ta không thể lường trước:
Thay đổi công việc/ Mất việc
Không ai muốn mình bị sa thải hay mất việc cả, nhưng rủi ro đó luôn hiện hữu cho dù bạn đang làm việc ở đâu đi nữa.
Nếu công ty buộc phải cắt giảm nhân sự và bạn thuộc trong danh sách cắt giảm. Đó sẽ là một nỗi buồn lớn với bạn, và sẽ là cú sốc lớn nếu bạn không chuẩn bị tinh thần từ trước.
Và đôi khi làm việc lâu ở một môi trường, công ty nào đó sẽ làm giảm đi nhiều động lực làm việc của chúng ta, từ đó phát sinh nhu cầu được Thay đổi công việc, thay đổi môi trường làm việc.
Cả 2 trường hợp trên đều có điểm chung là nếu ta rơi vào hoàn cảnh đó thì sẽ cần một khoảng thời gian để cân bằng lại cảm xúc và suy nghĩ nhiều hơn về hướng đi tiếp theo.
Thời gian này có thể từ vài tuần tới vài tháng.
Trong thời gian đó, chúng ta vẫn cần tiền để duy trì cuộc sống và hoàn thành các hoá đơn mỗi tháng. Chúng ta cần một khoản tiền dự trữ để sử dụng vào thời điểm này.
Ốm đau, bệnh tật
Không ai nói trước được sức khoẻ của mình sẽ khoẻ hay yếu sau một tuần, một tháng, một năm,…
Chúng ta không thể lường trước, và cũng không thể tránh né được bởi rủi ro thì mang tính xác suất, trúng ai người đó sẽ chịu.
Đơn giản có thể là 1 trận ốm vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.
Chúng ta cần tiền ở thời điểm này để ăn uống, bồi bổ, trả tiền thuốc men…
Nếu không may gặp một trận ốm lớn và nghỉ việc quá lâu, nhiều doanh nghiệp sẽ sa thải nhân viên đó. Nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy, chúng ta sẽ cần một khoản tiền dự trữ từ trước để duy trì cuộc sống.
Xe hỏng, nhà hỏng hóc
Có thể một ngày đẹp trời chiếc xe bạn đang đi gặp sự cố lớn và cần số tiền lớn để thay thế, sửa chữa.
Ngôi nhà bạn đang ở cũng có thể gặp những sự cố như hỏng hệ thống điện, nước hay bong tróc tường, sàn… và sẽ cần một khoản tiền để sửa chữa.
Việc người bình thường sẽ làm là sử dụng tiền và ngân sách của tháng hiện tại để chi trả các chi phí này.
Nhưng người biết quản lý tài chính cá nhân sẽ sử dụng tiền dự phòng để chi trả các chi phí này, họ sẽ không sử dụng đến những khoản chi tiêu trong tháng đã được lên kế hoạch trước đó.
Những tình huống bất ngờ
Ngoài ra thì có những lúc bố mẹ, anh chị em hay con cái của bạn sẽ cần một khoản tiền lớn để giải quyết một vấn đề cấp bách phát sinh. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có sẵn tiền để hỗ trợ nếu bạn muốn.
Để làm được điều đó, bạn cần có một khoản tiền dự phòng.
Để tự lo cho mình trong những tình huống bất ngờ, và càng để cho mình không rơi vào cảnh mắc nợ người khác.
Khi bạn rơi vào tình huống khẩn cấp như vừa nêu: Ốm đau bệnh tật, Xe hỏng, nhà hỏng, những tình huống bất ngờ, mất việc, thay đổi việc… thì chắc chắn bạn sẽ cần tiền – một khoản tiền dự trữ của bạn.
Khoản tiền dự trữ đó chính là Quỹ khẩn cấp hay Quỹ dự phòng tài chính cá nhân khẩn cấp!
Cần bao nhiêu tiền trong Quỹ dự phòng khẩn cấp?
Ai trong cuộc sống cũng cần có những khoản dự phòng từ Quỹ khẩn cấp như vậy.
Còn việc: Cần bao nhiêu tiền trong Quỹ khẩn cấp này thì tuỳ vào quan điểm mỗi người.
Lời khuyên từ các chuyên gia Tài chính là bạn nên có từ 3 đến 6 tháng thu nhập trong Quỹ khẩn cấp.
Nghĩa là: Tệ nhất cũng cần một khoản là 3 tháng thu nhập, còn tốt nhất là có một khoản bằng 6 tháng thu nhập của bạn.
Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 20 triệu đồng thì Quỹ khẩn cấp bạn nên có là từ 60 triệu – 120 triệu đồng để đảm bảo bạn sẽ yên tâm về tài chính trong mọi trường hợp.
Bạn có thể lưu trữ số tiền này bằng tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng.
Tốt nhất là bạn nên gửi chúng trong sổ tiết kiệm với kỳ hạn ngắn (3-6 tháng): Nếu gặp sự cố cần tiền thì bạn vẫn rút được gốc để xử lý vấn đề. Nếu không gặp sự cố thì bạn có thêm lãi suất ngắn hạn bổ sung vào Quỹ.
Đó là lựa chọn tốt nhất mà chúng ta nên làm.
Làm sao để bắt đầu xây dựng Quỹ khẩn cấp tài chính?
Với tính chất quan trọng như vậy của Quỹ dự phòng khẩn cấp thì việc ta nên làm là bắt tay ngay từ hôm nay để xây dựng.
Cho dù bạn đang gặp các vấn đề về Quản lý chi tiêu khiến cho nhu cầu chi tiêu quá nhiều và khả năng tiết kiệm quá thấp đi nữa thì bạn vẫn có thể nghiêm túc để bắt đầu từ số tiền ít ỏi.
Lý tưởng nhất: Hãy dành ra 10% thu nhập mỗi tháng để thiết lập Quỹ dự phòng tài chính khẩn cấp cho tới lúc đủ số tiền cần có.
Nếu bạn thấy khó khăn với mức 10% thu nhập mỗi tháng, hãy bắt đầu với mức 500.000đ mỗi tháng và tăng thêm 100.000đ mỗi tháng trong các tháng kế tiếp để sớm hoàn tất việc chuẩn bị Quỹ khẩn cấp cho mình.
Cách thực hiện:
Hàng tháng, ngay sau khi vừa nhận lương, bạn hãy mở sổ tiết kiệm online qua các App của các ngân hàng với kỳ hạn 6-9-12 tháng để có lãi suất tốt.
Nhiều ngân hàng như BIDV, VCB… cho phép bạn mở sổ tiết kiệm với chỉ 500.000đ. Tất nhiên là tiết kiệm càng nhiều thì càng tốt, và lý tưởng nên là 10% thu nhập mỗi tháng.
Như vậy, mỗi tháng bạn sẽ có thêm 1 sổ tiết kiệm online. Một năm bạn có 12 sổ tiết kiệm online.
Trong khi bạn làm việc, hay đi chơi, hay đi ngủ thì số tiền này vẫn tự động tăng lãi suất để giúp bạn sớm đạt mục tiêu Quỹ dự phòng khẩn cấp cho mình.
Lấy ví dụ cụ thể:
Thu nhập hiện tại của bạn là 20 triệu/ tháng và bạn muốn chuẩn bị Quỹ dự phòng khẩn cấp bằng 6 tháng thu nhập, tương đương 120 triệu đồng.
Mỗi tháng bạn sẽ dành ra 2 triệu (10% thu nhập) để mở sổ tiết kiệm. Với mức lãi suất giả định của ngân hàng là 6%/ năm thì bạn sẽ có số tiền 120 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi) sau gần 4,5 năm ~ 54 tháng.
Với mức lãi suất ngân hàng ở thời điểm hiện tại lên tới 9%, thậm chí cao hơn thì rõ ràng thời gian giúp bạn có Quỹ khẩn cấp như mong muốn được rút ngắn đi rất nhiều. Hãy bắt tay ngay từ bây giờ.
Tổng kết bài viết:
Sự khác biệt lớn nhất giữa Người giàu có và người bình thường nằm ở khả năng tiết kiệm tiền, đây là cơ sở để bắt đầu cho mọi công việc liên quan tới tiền bạc, tài chính trong suốt cuộc đời của họ.
Quỹ dự phòng tài chính khẩn cấp là Quỹ khẩn cấp mà ai cũng cần nhưng lại rất ít người đã có.
Cho dù bạn chưa có đi nữa thì hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. Cho dù số tiền bạn có thể tiết kiệm ngay bây giờ rất ít ỏi đi nữa thì bạn cũng nên bắt đầu.
Cuộc sống của bạn, hạnh phúc của bạn. Hãy tự quyết định!
Chúc bạn thành công!
TÌM HIỂU THÊM:
Bạn suy nghĩ gì về nội dung bài viết? Hãy chia sẻ cho tác giả cùng toàn bộ bạn đọc nhé!